BỆNH CARE TRÊN CHÓ

BỆNH CARE

1. Khái niệm:Chó hư tại chủ

Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramycoviridae gây nên. Đặc trưng bằng sự phát ban của da, viêm niêm mạc đường tiêu hoá, hô hấp, niêm mạc mắt, gây sốt và tổn thương hệ thống thần kinh.

Là bệnh lây lan mạnh, tỷ lệ chết cao ở động vật ăn thịt đặc biệt là loài chó, tỷ lệ chết 60 – 90%. Con nào sống sót thì đến giai đoạn cuối thường có triệu chứng thần kinh: co giật mặc dù vẫn ăn khoẻ.

Khi kế phát các vi khuẩn ở đường tiêu hoá như thương hàn, tụ huyết trùng, ký sinh trùng đường ruột (giun, sán) đều làm tăng mức độ trầm trọng của bệnh.

Phân bố khắp nơi trên thế giới, gây thiệt hại lớn.

2. Tác nhân gây bệnh:

Do loại virus có thành phần là ARN đơn.

3. Dịch tễ học:

– Động vật cảm thụ: động vật ăn thịt (chó, chó sói, linh cẩu, cầy, cáo, chồn, gấu trúc, gấu,…), đặc biệt là loài chó. Chó mẫn cảm nhất là chó non (3-4 tháng tuổi).

– Chó non của những con mẹ mắc bệnh tự nhiên hay tiêm vaccin không mắc bệnh trong vòng 2 tuần đầu.

– Động vật mắc bệnh thải virus bằng nhiều đường: phân, nước tiểu, nước bọt, nước mắt, nước mũi.

– Chó ốm có thể bài tiết virus trong vòng 3 tháng. – Các bệnh phẩm chứa virus: máu, lách, tuỷ xương, dịch phế mạc, dịch phúc mạc.

– Trong tự nhiên mầm bệnh được tàng trữ ở chó và động vật ăn thịt khác. – Đường lây lan:

+ Chủ yếu là trực tiếp giữa con khoẻ và con ốm hoặc chó tiếp xúc với các dụng cụ đã chứa mầm bệnh (dụng cụ nuôi dưỡng, quần áo của những người chăm sóc, nuôi dưỡng…)

+ Đường truyền dọc: con mẹ nhiễm bệnh truyền qua màng nhau cho thai – Mùa vụ: quanh năm, thường nhiều hơn vào mùa xuân và mùa thu.

4. Sinh bệnh học

Virus xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hoá (qua niêm mạc), sau đó theo hệ thống lympho, từ đó theo dịch lympho vào máu đi khắp cơ thể gây nên hiện tượng: đầu tiên là sốt; viêm niêm mạc đường tiêu hoá, mắt, viêm thoái hoá ở gan, thận, não, tuỷ sống và những phần da không có lông.

Cơ thể sinh ra kháng thể tự nhiên chống lại virus sau khi virus xâm nhập ; 9-12 ngày thì kháng thể đạt cao nhất, kéo dài 60-70 ngày.

Sức đề kháng của cơ thể giảm sút nghiêm trọng, là điều kiện để các vi khuẩn có cơ hội trỗi dậy như: thương hàn, tụ huyết trùng… làm cho quá trình bệnh lý nặng nề thêm.

Bệnh có thể cùng xảy ra với Viêm ruột truyễn nhiễm do parvovirus hay Viêm gan truyền nhiễm.

5. Triệu chứng:

Thời gian nung bệnh từ 2 – 7 ngày (đối với phòng thí nghiệm), trong tự nhiên dài hơn có thể đến 40 ngày.

a. Thể cấp tính:

– Sốt cao, nhiệt độ tăng 1-30C, sau 1-2 ngày nhiệt độ giảm đi, sốt nhẹ kéo dài. Nếu bị viêm phổi thì lại sốt cao.

– Động vật ít hoạt động hơn, run, thỉnh thoảng đứng bật dậy trong sự sợ hãi.

– Phát triển viêm cata cấp tính ở đường hô hấp:

+ Nước mũi chảy ra: lúc đầu loãng, sau đặc dần, có khi như dịch mủ

+ Con vật thở khó, thở ngắn, há mồm thở.

+ Ban đầu ho khan, sau xuất hiện có đờm, dãi, ho kéo dài liên tục, cuối cơn ho xuất hiện cơn co giật

+ Tiếp theo viêm phổi, viêm màng phổi.

– Cùng với những biểu hiện trên là: viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, buồng trước nhãn cầu có dử mắt.

– Tổn thương các cơ quan ở đường tiêu hoá:

+ Giảm tính ngon miệng: mới đầu ăn ít, dần dần bỏ ăn.

+ Viêm họng nặng, viêm hạch amidan, viêm cata cấp tính đường dạ dày- ruột.

+ Nôn nhiều, nôn ra dịch màu vàng.

+ Về sau tiêu chảy, xuất hiện hợp dịch giữa phân và máu.

b. Thể á cấp tính:

– Sau thời gian sốt cao 2 – 3 ngày chuyển sốt vừa phải, gương mũi khô.

– Con vật trầm uất, ủ rũ, nặng nề, sợ ánh sáng.

– Tính ngon miệng giảm.

– Chảy nước mũi: thanh dịch → khô → nút lấy mũi.

– Hắt hơi, khịt mũi, ngoáy mũi bằng bàn chân.

– Nhịp thở nhanh hơn, khó khăn.

– Nghe phổi âm ran ướt.

– Gõ vùng phổi có âm đục.

– Mạch nhanh, loạn nhịp, mạch mờ nhạt.

– Mắt: + Lúc đầu chảy nước dạng thanh dịch, sau khô dần bịt mặt lại.

+ Kết mạc đỏ, sưng lên

+ Viêm giác mạc, loét giác mạc

– Dạ dày, ruột: Lúc đầu táo bón, sau phân nát dần, cuối cùng ỉa chảy, xen kẽ phân lỏng lẫn máu, nôn nhiều.

– Xuất hiện các nốt ban đỏ ở da (những nơi không có lông) bằng hạt đậu, đồng xu ở mặt trong hay ngoài của đùi, vành tai, bụng dưới, xung quanh miệng, mũi, bề mặt ướt, sáng. Bên trong chứa dịch và mủ.

– Những chỗ cong của khớp (4 chân), vùng đệm của gan bàn chân, xung quanh lỗ mũi: sừng hoá, dày lên.

c. Thể thần kinh:

– Những con mắc bệnh cấp tính nhưng không chết sẽ để lại di chứng thần kinh, con vật xuất hiện các đợt kích thích ngắn, hoảng loạn, sợ hãi, lồng lộn, giãy đạp nhiều.

– Xuất hiện hiện tượng co giật, rung cơ, cơ trên mặt co giật làm biến đổi nét mặt của con vật, co giật còn xuất hiện ở thành bụng, 4 chân.

– Thường xuất hiện những cơn động kinh định kỳ, có thể dẫn đến liệt nhẹ hay liệt (thường ở 2 chân sau).

– Liệt cơ vòng bàng quang, trực tràng, bài tiết phân, nước tiểu tuỳ tiện.

– Liệt thần kinh mặt.

6. Chẩn đoán:

– Căn cứ vào biểu hiện dịch tễ học, triệu chứng lâm sàng.

– Dùng kít chẩn đoán (?)

7. Điều trị:

Trên thế giới hiện nay chưa có thuốc đặc trị để loại bỏ virus nên việc điều trị chỉ mang tính hỗ trợ giảm triệu chứng, tăng đề kháng cho con vật bệnh và phòng trị nhiễm trùng thứ cấp. Mục đích cuối cùng của điều trị bệnh này là giúp con vật sống một thời gian đủ để cơ thể của nó tạo ra một phản ứng miễn dịch. Tỷ lệ sống còn phụ thuộc vào sự chuẩn đoán đúng và nhanh chóng được điều trị.

Lưu ý :

– Sau khi phát hiện bệnh ở chó, nên cho chó ăn các thức ăn dễ tiêu hóa, không chứa chất béo. Lưu ý, để chó ăn tự nhiên, không ép ăn.

– Cần cách ly chó bệnh ngay lập tức với các thú nuôi khác trong nhà để phòng chống lây lan bệnh

– Nếu như chó bệnh tiêu chảy nhiều, nên hạn chế cho chó uống nước. Mà thay vào đó, nên truyền nước biển cho cơ thể thú nuôi.

Sự chăm sóc đúng cách sẽ đưa lại hiệu quả chữa trị tốt hơn. Nếu chăm sóc không hợp lý, chó sẽ chết rất nhanh (môi trường dưỡng bệnh không tốt, tắm khi con vật đang ốm, cho ăn uống không theo chỉ định, sử dụng thuốc không đúng… ). Bạn nên hiểu, sự thành công trong điều trị bệnh này phần lớn là do sức sống và ý thức chống chọi với bệnh tật của con vật. Bên cạnh đó còn phụ thuộc vào cách chữa trị của Bác Sỹ Thú Y do họ sẽ đưa ra một phác đồ điều trị bệnh phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Nếu không làm đúng một số nguyên tắc thì đôi khi sẽ làm cho con vật chết nhanh hơn. Do đó, nếu có thắc mắc trong cách chăm sóc vật nuôi bệnh, chủ nuôi nên liên hệ và tham khảo ý kiến Bác Sỹ Thú Y.

 

8. Phòng bệnh

Cách phòng bệnh care

Bạn nên biết, việc phòng bệnh bằng cách không cho tiếp xúc với mầm bệnh thường không đem lại hiệu quả cao, do đó hầu hết Bác Sỹ Thú Y đều khuyên nên cho chó được tiêm chủng phòng bệnh sớm.

1. Tiêm chủng carre:

– Tiêm phòng lần đầu giữa 7-9 tuần tuổi.

– Tiêm phòng lần 2 giữa 11-13 tuần tuổi.

– Sau đó hàng năm tái chủng lại.

– Trên chó mẹ chưa tiêm phòng, tiến hành tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất và mũi thứ hai cách nhau 3-5 tuần (sau đó hàng năm tiêm nhắc lại).

2. Chó non dưới 4 tháng tuổi chưa được miễn dịch với bệnh care không nên cho tiếp xúc với chó khác hoặc các tác nhân “trung gian ” có thể truyền bệnh : môi trường, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển chó, hoặc các chủ chó khác.

3. Chế độ chăm sóc, dinh dưỡng đủ chất và khoa học nhằm tăng sức kháng bệnh của chó. Tẩy giun sán cho chó non ngay từ một tháng tuổi.

4. Chủ nuôi phải sau ít nhất 1 tháng từ khi có chó chết do bệnh mới được mang chó khác về nuôi. Xác chó chết nghi mắc bệnh phải được xử lý chôn sâu giữa hai lớp vôi bột hoặc đốt xác tiêu huỷ, không thả trôi sông, suối, thùng rác hoặc các nơi công cộng.

5. Cần làm sạch và sát trùng thường xuyên môi trường, chuồng trại, dụng cụ chăm sóc và các phương tiện vận chuyển chó.

6. Vệ sinh phòng bệnh: diệt ve, bọ chét, thường xuyên tắm cho chó. Sát trùng chuồng trại, nơi ở của thú.

7. Cách ly chó khỏe với chó bệnh, không cho chó khỏe tiếp xúc với phân của chó bệnh.

Lưu ý:

– Người nuôi chó không nên tiêm phòng bệnh quá sớm cho chó con vì chó không đủ khả năng để đáp ứng miễn dịch.

– Cần tiêm phòng vaccine chậm nhất 1 tháng trước khi chó mẹ mang thai để tạo miễn dịch tự nhiên cho chó con sau khi sinh

– Nên vệ sinh chuồng trại, nơi ở thú nuôi với nước tẩy trùng thường xuyên để phòng và tránh bệnh.

 

Để phòng chống bệnh care. Hãy mang thú cưng của bạn đến Phòng khám thú y tại Đà Lạt để tiêm phòng nhé.

Phòng khám thú y Đà Lạt Pet (dalatpet.com)

Địa chỉ: 77 bis, đường 3 tháng 2, Phường 4 – Đà Lạt

SDT: 0986132381

Email: dalatpets@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *