Bệnh xuất huyết đường ruột do Parvovirus

Depositphotos 123667304 Stock Illustration Cute Little Dog Cartoon 482x400 1

Bệnh xuất huyết đường ruột do Parvovirus

Bệnh Parvovirus là gì?

Bệnh Parvovirus (hay thường được gọi tắt là Parvo) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Canine Parvovirus (CPV) gây nên. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định rằng phần lớn chó bị nhiễm Parvo do 2 chủng virus: CPV-2a và CPV-2b. Riêng ở Ý, Tây Ban Nha và Việt Nam, người ta còn phát hiện chủng virus thứ 3 là CPV-2c cũng gây bệnh Parvo cho chó. Hiện tại, chủng gây bệnh phổ biến nhất toàn thế giới là CPV-2b. Đây là bệnh truyền nhiễm cực kì nguy hiểm, lây lan nhanh và làm chết nhiều chó, đặc biệt chó non và chó có hệ miễn dich yếu.

Cách thức truyền nhiễm Parvovirus

Đầu tiên bạn nên biết, bệnh chỉ gây ra ở chó mà không thể truyền sang người hay các loài khác như mèo, chim…

Bệnh truyền nhiễm trực tiếp từ loài chó với nhau, hoặc qua phân thải có chứa virus phát tán trong môi trường qua các nhân tố trung gian truyền bệnh như: dụng cụ chăn nuôi, chim chóc, gậm nhấm, côn trùng, ruồi nhặng mang mầm bệnh có thể truyền bệnh cho chó. Thậm chí, các phương tiện giao thông như lốp xe, giày dép có dính phân chó bị nhiễm bệnh hoặc bàn tay tiếp xúc của con người từ chó ốm sang chó khỏe cũng có thể làm lây lan bệnh. Đó là lý do vì sao nhiều chú chó cũng có thể bị nhiễm bệnh ngay cả khi chúng không hề rời khỏi nhà.

Đây là loại virus cực kì khoẻ mạnh với sự lây nhiễm rộng rãi, dao động chịu nhiệt rộng và khả năng miễn dịch cao với nhiều loại chất tẩy rửa. Chúng có thể tồn tại trong môi trường thiên nhiên có ánh sáng mặt trời tới 5 tháng, bóng tối 7 tháng và thậm chí là có thể lâu hơn nữa.

Lưu ý : Mọi giống chó đều có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh, tuy nhiên vì đặc trưng giống loài mà một số giống chó lại có nguy cơ dễ bị Parvo hơn các giống khác, chẳng hạn như: các giống chó Ngao, giống Pinschers Đức… Nếu những chú chó cưng của bạn đang nuôi có hệ miễn dịch yếu thì tốt hơn hết bạn nên tiến hành tiêm phòng cho bé nhé!

Các thể bệnh và triệu chứng Parvovirus

Khi virus Parvo xâm nhập vào cơ thể thú nuôi, thông thường sẽ không có bất cứ triệu chứng lâm sàng nào. Nhìn chung, phải mất tầm 3 – 10 ngày kể từ khi virus xâm nhập vào cơ thể, các chú chó mới bắt đầu xuất hiện những triệu chứng bệnh đầu tiên bao gồm: mệt mỏi, ủ rũ, bỏ ăn, nôn mửa, sốt và các triệu chứng điển hình của mỗi thể bệnh.

– Thể viêm cơ tim: Các mẫu tim bị nhiễm trùng thường được tìm thấy trong chó đang bị nhiễm bệnh hoặc chó con ngay sau khi sinh. Đây là thể bệnh rất ít phổ biến so với thể đường ruột. Bệnh thường rất nặng, làm viêm và hoại tử cơ tim gây khó thở và chết non (<8 tuần). Chó con tồn tại được sẽ có sẹo trong cơ tim. Thể bệnh này có thể hoặc không đi kèm với các dấu hiệu và triệu chứng của thể đường ruột. Tuy nhiên thể này bây giờ đã hiếm thấy trên thế giới. Thường gặp trên chó 4 – 8 tuần tuổi với những biểu hiện như khó thở, rên rỉ suy kiệt.. Chó chết sau vài giờ hay vài phút, hoặc chết đột ngột do bị suy tim.

– Thể đường ruột (3-5 ngày): Virus phân chia trong các tế bào biểu mô ruột gây hoại tử bong tróc các tế bào niêm mạc vì thế gây tiêu chảy – xuất huyết. Niêm mạc thường theo phân ra ngoài hợp lại với các chất khác tạo ra một mùi hôi tanh khó chịu. Điều này có thể tạo cơ hội cho nhiễm trùng thứ cấp khi các vi khuẩn đường ruột – như Salmonella, C.perfringens, E.coli, Campylobacter, Coronavirrus – và các ký sinh trùng khác có thể xâm nhập vào mạch máu nhiều hơn qua những vùng niêm mạc bị bong tróc, và kích hoạt một quá trình nhiễm trùng thứ cấp nghiêm trọng. Chó thường có triệu chứng tiêu chảy nặng gây mất nước, điện giải, máu và nhiễm trùng thứ cấp. Virus Parvo còn tấn công vào lớp màng của hệ tiêu hoá, làm cho con vật không có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và các chất lỏng. Do đó chó ủ rũ, bỏ ăn, ói mửa, mới đầu phân màu vàng sau đó chuyển thành xám/đỏ chứa đầy máu, phân có mùi tanh đặc trưng, một số chó có biểu hiện sốt/ một số con không. Con vật có biểu hiện vô thần, sụt cân nhanh, đau đớn vùng bụng, shock do mất máu…Chó thường sẽ không chết do virus nhưng thường chết do nhiễm trùng thứ cấp. Chó chết sau 2-5 ngày.

– Thể kết hợp: đây là thể làm cho chó chết nhanh nhất trong các loại thể trên, do sự kết hợp các triệu chứng bệnh của cả 2 thể bệnh trên.

Chẩn đoán bệnh Parvovirus

Khi nghi ngờ chó bị nhiễm Parvo, chủ nuôi nên cách ly chó (nghi ngờ bị nhiễm bệnh) với các chó mèo khác nuôi trong nhà. Sau đó, nên nhanh chóng liên hệ và mang chó (nghi ngờ bị nhiễm bệnh) đến Bác Sỹ Thú Y để khám lâm sàng.

Khi mang chó đi khám, chủ nuôi lưu ý mang theo sổ thông tin của chó (giống, độ tuổi, giới tính…), sổ khám bệnh (các bệnh đã tiêm phòng ngừa…) và tiền sử bệnh của thú nuôi (nếu có) để việc chẩn đoán và xác định bệnh dễ dàng và chính xác hơn.

Hiện trên thị trường có bán các que thử bệnh Parvo, cho kết quả nhanh và độ chính xác cao. Tuy nhiên, cần lưu ý là kết quả sẽ bị ảnh hưởng (thiếu chính xác) nếu (1) sử dụng que thử bệnh quá sớm – khi chó mới nhiễm bệnh, (2) lượng virus trong phân khi xét nghiệm không đủ nhiều để phát hiện ra bệnh, (3) bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài (que bị lỗi…)

Parvovirus

Phân biệt bệnh Parvovirus với các bệnh khác

Bệnh viêm dạ dày ruột do Coronavirius: Bệnh lây lan nhanh nhưng thường phát triển chậm, ít khi gây chết, chó không sốt, số lượng bạch cầu không giảm, chó tiêu chảy nhiều nước có thể có nhiều chất nhầy hoặc máu.

Bệnh Carré: Sốt cao kèm theo triệu chứng viêm phổi, viêm kết mạc mắt, tiêu chảy ra máu nhưng mức độ tiêu chảy ít hơn. Thời gian mắc bệnh kéo dài hơn Parvo, vào giai đoạn cuối của bệnh sẽ xuất hiện theo các triệu chứng nổi mụn mủ ở vùng da mỏng, gang bàn chân và da vùng gương mũi bị sừng hóa. Có triệu chứng thần kinh xuất hiện trước khi chết.

Tuy nhiên việc bắt tay vào điều trị ngay từ khi con vật được nghi ngờ mắc bệnh và chưa có các kết quả về chẩn đoán phi lâm sàng là điều nhất quyết phải làm.

Điều trị bệnh Parvovirus

Trên thế giới hiện nay chưa có thuốc đặc trị để loại bỏ virus nên việc điều trị chỉ mang tính hỗ trợ giảm triệu chứng, tăng đề kháng cho con vật bệnh và phòng trị nhiễm trùng thứ cấp. Mục đích cuối cùng của điều trị bệnh này là giúp con vật sống một thời gian đủ để cơ thể của nó tạo ra một phản ứng miễn dịch. Tỷ lệ sống còn phụ thuộc vào sự chuẩn đoán đúng và nhanh chóng được điều trị.

Lưu ý :

– Sau khi phát hiện bệnh ở chó, nên cho chó ăn các thức ăn dễ tiêu hóa, không chứa chất béo. Lưu ý, để chó ăn tự nhiên, không ép ăn.

– Cần cách ly chó bệnh ngay lập tức với các thú nuôi khác trong nhà để phòng chống lây lan bệnh

– Nếu như chó bệnh tiêu chảy nhiều, nên hạn chế cho chó uống nước. Mà thay vào đó, nên truyền nước biển cho cơ thể thú nuôi.

– Không sử dụng các thuốc có tác dụng kháng viêm cho chó bị nhiễm bệnh

Sự chăm sóc đúng cách sẽ đưa lại hiệu quả chữa trị tốt hơn. Nếu chăm sóc không hợp lý, chó sẽ chết rất nhanh (môi trường dưỡng bệnh không tốt, tắm khi con vật đang ốm, cho ăn uống không theo chỉ định, sử dụng thuốc không đúng… ). Bạn nên hiểu, sự thành công trong điều trị bệnh này phần lớn là do sức sống và ý thức chống chọi với bệnh tật của con vật. Bên cạnh đó còn phụ thuộc vào cách chữa trị của Bác Sỹ Thú Y do họ sẽ đưa ra một phác đồ điều trị bệnh phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Nếu không làm đúng một số nguyên tắc thì đôi khi sẽ làm cho con vật chết nhanh hơn. Do đó, nếu có thắc mắc trong cách chăm sóc vật nuôi bệnh, chủ nuôi nên liên hệ và tham khảo ý kiến Bác Sỹ Thú Y.

Parvovirus

Cách phòng bệnh Parvovirus

Bạn nên biết, việc phòng bệnh bằng cách không cho tiếp xúc với mầm bệnh thường không đem lại hiệu quả cao, do đó hầu hết Bác Sỹ Thú Y đều khuyên nên cho chó được tiêm chủng phòng bệnh sớm.

1. Tiêm chủng Parvovirus:

– Tiêm phòng lần đầu giữa 7-9 tuần tuổi.

– Tiêm phòng lần 2 giữa 11-13 tuần tuổi.

– Sau đó hàng năm tái chủng lại.

– Trên chó mẹ chưa tiêm phòng, tiến hành tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất và mũi thứ hai cách nhau 3-5 tuần (sau đó hàng năm tiêm nhắc lại).

2. Chó non dưới 4 tháng tuổi chưa được miễn dịch với bệnh Parvo không nên cho tiếp xúc với chó khác hoặc các tác nhân “trung gian ” có thể truyền bệnh : môi trường, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển chó, hoặc các chủ chó khác.

3. Chế độ chăm sóc, dinh dưỡng đủ chất và khoa học nhằm tăng sức kháng bệnh của chó. Tẩy giun sán cho chó non ngay từ một tháng tuổi.

4. Chủ nuôi phải sau ít nhất 1 tháng từ khi có chó chết do bệnh mới được mang chó khác về nuôi. Xác chó chết nghi mắc bệnh phải được xử lý chôn sâu giữa hai lớp vôi bột hoặc đốt xác tiêu huỷ, không thả trôi sông, suối, thùng rác hoặc các nơi công cộng.

5. Cần làm sạch và sát trùng thường xuyên môi trường, chuồng trại, dụng cụ chăm sóc và các phương tiện vận chuyển chó.

6. Vệ sinh phòng bệnh: diệt ve, bọ chét, thường xuyên tắm cho chó. Sát trùng chuồng trại, nơi ở của thú.

7. Cách ly chó khỏe với chó bệnh, không cho chó khỏe tiếp xúc với phân của chó bệnh.

Lưu ý:

– Người nuôi chó không nên tiêm phòng bệnh quá sớm cho chó con vì chó không đủ khả năng để đáp ứng miễn dịch.

– Cần tiêm phòng vaccine chậm nhất 1 tháng trước khi chó mẹ mang thai để tạo miễn dịch tự nhiên cho chó con sau khi sinh

– Trên các nhãn thuốc, vaccine Parvo có ký tự ” P ” viết tắt của Parvovirus.

– Nên vệ sinh chuồng trại, nơi ở thú nuôi với nước tẩy trùng thường xuyên để phòng và tránh bệnh.

 

Để phòng chống bệnh Parvovirus. Hãy mang thú cưng của bạn đến Phòng khám thú y tại Đà Lạt để tiêm phòng nhé.

Phòng khám thú y Đà Lạt Pet (dalatpet.com)

Địa chỉ: 77 bis, đường 3 tháng 2, Phường 4 – Đà Lạt

SDT: 0986132381

Email: dalatpets@gmail.com

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *