Chó hư tại chủ
Khi bạn quyết định nuôi một chú chó cưng, bạn cần nhớ rằng ngoài những giây phút đáng yêu, ngoan ngoãn, cún yêu của bạn cũng sẽ có những khoảnh khắc quá hiếu động, tỏ ra hung dữ hoặc có những thói hư của chó như gặm nhấm, bới tung đồ đạc hay làm nũng.
Vậy chó hư tại ai? Là một người chủ, bạn luôn phải có ý thức cảnh giác, thường xuyên quan tâm, chú ý nhận biết chú chó của mình đang có vấn đề gì trong cách hành xử để kịp thời uốn nắn, huấn luyện. Sau đây là một vài tật xấu tiêu biểu của các chú chó và những gợi ý cách thức để bạn giúp cún cưng của mình thay đổi.
1. Bới tung mọi thứ
Hầu hết các chú chó đều thích đào bới và bạn cần huấn luyện để chúng dừng hành động đó lại. Hãy nói “ngừng lại” rồi làm chúng xao nhãng bởi một thứ đồ chơi khác. Và bạn nên nhớ rằng lời quát mắng sau khi chú cún đã đào một cái hố đất hay làm lộn xộn mọi thứ không có tác dụng gì. Chúng chỉ có thể ý thức đây là hành động sai trái nếu bạn nhắc nhở ngay khi chúng đang làm những điều đó. Bạn có thể dành riêng cho cún yêu của mình một hộp đựng cát, chôn vào đó vài món đồ chơi ưa thích của nó và để nó thoải mái đào bới, tìm kiếm món đồ đó.
Chó hư tại chủ
2. Gặm nhấm đồ đạc
Loài chó, nhất là chó con, thường dùng miệng để khám phá thế giới xung quanh. Dường như chó thích gặm đồ bởi việc đó có thể khiến chúng bình tĩnh.Tuy nhiên, như vậy sẽ làm hỏng đồ đạc của bạn và tệ hơn là lũ chó sẽ rất dễ ăn cả những thứ chúng không tiêu hóa được. Bạn cần thay đổi thói quen này của chúng ngay lập tức. Hãy mua món đồ chơi giành cho chó gặm và đưa cho cún của mình khi chúng đang cắn xé những thứ không được phép.
3. Chầu chực xin ăn
Bạn có thể ngăn chặn điều này từ đầu bằng cách không bao giờ để thức ăn dành cho chó trên bàn ăn của bạn. Nếu bạn không cho chúng những mẩu thức ăn, chúng cũng sẽ không học cách để xin. Bạn hãy yêu cầu chú chó ở trong ổ của nó hoặc không cho chúng vào phòng khi bạn ăn. Bạn cũng có thể quy định một vị trí nhất định cún cưng được phép ngồi cho đến khi bạn ăn xong.
4. Chó không lại gần khi bạn gọi
Dù bạn có gọi hay không, bất cứ khi nào chú chó của bạn chạy tới bên cạnh, hãy khen ngợi chúng. Điều đó sẽ khiến chúng hiểu rằng đây là một hành động đúng đắn. Nếu khi bạn gọi mà chú cún không lại gần, đừng vội đuổi theo mà hãy vừa lùi ra xa vừa gọi nó lại lần nữa. Sau đó, bạn hãy yêu cầu nó ngồi xuống và đi tới chỗ nó. Lúc đó, nếu bạn rời đi, chúng có thể theo bạn ngay nhưng hãy nói rõ với chúng “đi” hay “ở lại”. Chúng có thể không hiểu yêu cầu của bạn nếu bạn chỉ gọi tên chúng.
5. Chó kéo dây khi bạn dắt chúng đi dạo
Bạn cần tập luyện cho chú chó của mình luôn dạo bước ngoan ngoãn bên cạnh bạn chứ không nên để chó kéo bạn đi. Nên cho lũ cún hiểu rằng nếu kéo sợi dây thì chúng sẽ bị phạt. Sợi dây giữ chó không nên quá dài hay bị thít quá chặt. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy sợi dây bị kéo căng, hãy dừng lại một chút. Chú chó cũng sẽ đứng lại để xem tại sao bạn không đi tiếp. Khi nó quay lại chỗ bạn, khen ngợi nó rồi lại bước tiếp. Chắc chắn rằng chỉ sau một thời gian, cún yêu của bạn sẽ hiểu cố gắng kéo căng sợi dây sẽ chẳng có ích lợi gì.
6. Lo lắng bị bỏ rơi
Nếu chú chó của bạn tỏ ra khó chịu khi bạn rời đi, hãy khiến chúng biết là bạn chắc chắn sẽ trở lại. Ban đầu, để nó lại một mình chỉ trong vòng 5 tới 10 phút và dần dần tăng thời gian lên. Trong lúc đó, hãy đưa cho cún của bạn một món đồ chơi để gặm và vẫn bật radio hoặc tivi. Nhớ tỏ vẻ điềm tĩnh cả khi rời đi lẫn lúc trở lại để nó hiểu rằng ở lại một mình không có vấn đề gì to tát. Một chiếc hộp huấn luyện cũng có thể giúp chó yêu của bạn thoát khỏi nỗi lo lắng này, tuy nhiên, với những chú chó đã trưởng thành thì ít tác dụng hơn. Với một số trường hợp, bạn nên hỏi kỹ bác sĩ thú y để được tư vấn cụ thể.
7. Rên rỉ để giành sự chú ý
Đôi lúc, bạn nghe thấy con chó của mình đang rên. Nếu lúc đó bạn nhìn hay tỏ ra quan tâm đến nó sẽ khiến chú chó biết rằng việc nó kêu lên có thể thu hút sự chú ý của bạn. Để chấm dứt hành động đó, khi chúng bắt đầu kêu, bạn có thể quay mặt nhìn đi chỗ khác hoặc thậm chí rời khỏi phòng. Cho đến khi lũ cún không còn kêu rên nữa bạn mới lại âu yếm và chơi cùng chúng.
8. Sủa ngay tại cửa
Hãy dạy những chú chó một thói quen mới nếu muốn chúng chấm dứt việc đứng chắn và sủa ngay tại cửa. Trước hết, chọn ra một vị trí trong tầm nhìn của cánh cửa để dạy chúng nằm xuống và ở yên đó khi bạn nói: “Về chỗ đi nào”. Việc đó sẽ giữ giúp chú chó của bạn bình tĩnh lại và chờ đợi được chào mừng bạn. Kể cả khi đã đến giờ cho cún ăn, hãy chỉ mở cửa khi nó đã hoàn toàn ngừng sủa. Sau vài lần lặp lại, cún sẽ học được rằng nếu muốn sớm được ăn thì nó phải biết học cách giữ yên lặng.
Chó hư tại chủ
9. Nhảy chồm lên
Nhảy lên là một cách tự nhiên của những chú chó thể hiện sự chào mừng với con người. Nhưng điều đó đôi khi có thể làm những người khách thấy hoảng sợ! Hãy vờ như không chú ý chó cưng của bạn cho tới khi nào nó chịu đứng yên hoặc ngồi xuống. Điều này sẽ giúp chú chó của bạn học cách kiểm soát sự hưng phấn trong nó. Ngoài ra, hãy để mắt tới chú chó của mình, đảm bảo rằng nó không gây ra sợ hãi cho những người khách của gia đình mà chúng chưa biết.
Chó hư tại chủ
10. Tỏ ra dữ tợn
Khi những chú chó tỏ ra hung dữ, thường là do chúng đang sợ hãi hay lo lắng. Nếu chú chó của bạn có biểu hiện như vậy, mau chóng liên hệ với một người huấn luyện chó chuyên nghiệp và tìm hiểu cách thức phù hợp để dạy nó cách tin tưởng bạn. Cần nhớ rằng dù bạn có tin rằng chú chó của mình sẽ không tấn công bất cứ ai, đừng bao giờ để ở một mình với trẻ em hay người lạ. Thậm chí, nếu cần hãy đeo rọ mõm cho chó chúng khi đi tới những nơi công cộng.
11. Sủa cả ngày
Có những chú chó sủa cả với bất cứ điều gì nhỏ nhất hay không đáng chú ý. Một số cún sủa khi chúng cảm thấy chán nản, bất an. Nếu bạn la hét khi chúng sủa như vậy sẽ chỉ khiến chúng cảm thấy tồi tệ hơn. Khi thấy cún yêu của bạn thể hiện tâm trạng thất thường và sủa liên tục, hãy đưa nó tới chỗ người dạy chó để được trợ giúp. Nếu chú chó của bạn biết ngồi chờ bạn trước khi đi dạo, thì nó cũng có thể học để kiểm soát các xung động của mình. Và nếu bạn thường để chó cưng của mình ở ngoài cả ngày, hãy thử thay đổi điều này để hạn chế việc cún sủa. Lúc này, bạn nên tìm đến lời khuyên của các bác sĩ thú y hoặc người huấn luyện chó.
12. Cắn người
Bất cứ con chó nào khi cảm thấy bị đe dọa hoặc căng thẳng cũng có thể sẽ cắn người. Nhưng sớm tạo một môi trường gần gũi cho một chú chó con sẽ giúp chúng lớn lên với cảm giác thoải mái với con người xung quanh. Từng ngày, bạn để chúng tiếp xúc với các môi trường khác nhau, chúng sẽ dần cảm thấy an toàn. Bạn hãy dành thời gian ở bên để giúp chú chó học cách tin tưởng con người. Luôn luôn theo dõi các dấu hiệu cho thấy chó cưng của bạn đang khó chịu và sau đó làm tất cả những gì bạn có thể để nó cảm thấy tốt hơn.
Chó hư tại chủ
Pingback: Hướng dẫn dạy chó nghe lời chủ Đà Lạt
hai chú chó poodle không chịu về nhà 3 ngày liên tiếp kêu mà nó không nghe còn bỏ đi còn lại gần nó còn xa lánh
chó không chịu về nhà càng lại gần nó còn bỏ trốn có kêu nó cũng chay và còn sợ hãi thậm chí nhìn thấy chủ nó còn không chịu vẫy đuôi